Việt Nam Ruộng_lúa

Một người phụ nữ đang nhổ mạ.

Tại Việt Nam, ruộng lúa hay còn được gọi là ruộng đất, điền địa... thường được chia thành các khoảnh ruộng nhỏ gọi là các thửa ruộng, mẫu ruộng... Khi khai phá, trồng trọt người Việt phân loại ruộng lúa thành hai loại.

  • Loại ruộng núi, gọi là sơn điền, khi mới khai khẩn thì đẵn chặt cỏ cây, để cho khô rồi đốt làm phân tro, đến khi mưa xuống thì gieo thóc, không cần cày bừa, dùng sức ít mà đạt lợi nhiều, trong 3, 4 năm lại đổi trồng chỗ khác. Vùng trũng, thấp thì làm ruộng núi, lâu ngày ruộng thành thục và cày bừa như ruộng thấp (thảo điền).
  • Loại ruộng thấp (ruộng cỏ hay thảo điền), có nhiều lùng, lác, lúc nắng khô nứt nẻ như vẽ mu rùa, đường nẻ sâu, phải đợi mưa ngấm cho bùn tan thì mới cày được, mà phải lựa trâu khỏe. Loại ruộng này cho năng suất cao.

Do đặc thù là một nước nông nghiệp, vấn đề ruộng luôn là mối quan tâm của xã hội trong suốt quá trình lịch sử của nước này. Ruộng lúa gắn liền với người nông dân, tá điền, là sở hữu của các tầng lớp địa chủ, điền chủ ngày xưa. Trong lịch sử thời kỳ Phong kiến, các triều đại luôn coi trọng việc cày cấy, đồng áng, nhiều vị vua đã đích thân cày cấy trong lễ tịch điền.

Vấn đề phân chia ruộng đất luôn được quy định chặt chẽ, một số chính sách liên quan đến ruộng như: Quân điền, hạn điền, ruộng dành để tặng thưởng (ví dụ: ruộng thác đao)... Sau này khi Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động, họ cũng đặt nặng vấn đề "người cày có ruộng" để tập hợp các lực lượng nông dân, tá điền. Sau đó là các cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc và cải cách điền địa ở miền Nam.

Ngày nay, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp và là nước xuất khẩu gạo, tuy vậy diện tích cách tác, số lượng thửa ruộng trên đầu người ngày càng thu hẹp vì dân số quá đông, nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích khác như ở, xây dựng đô thị, sử dụng để sản xuất các cây trồng khác, trang trại hoặc để làm sân golf đang diễn ra phổ biến.